Chia sẻ từ ông Đỗ Huy Thành: “Tôi không thích nhân viên chỉ biết nói: "Vâng!"
“Tôi không thích nhân viên chỉ biết nói: “Vâng!”. Tôi là lãnh đạo vẫn có sự thay đổi từng ngày. Tôi thích những người luôn muốn bàn luận và có những ý kiến trái chiều, không chấp nhận kết quả hiện tại” - ông Đỗ Huy Thành - Giám đốc Công ty TNHH Vàng bạc Đá quý Huy Thành - Huy Thanh Jewelry thẳng thắn chia sẻ với PLVN.


Chào ông, niềm đam mê trang sức của ông được bắt nguồn từ đâu?

- Tôi sinh ra trong một gia đình có nghề kim hoàn truyền thống, ở đó hàng ngày tôi lớn lên cùng những câu chuyện về trang sức của ba tôi, mẹ tôi và các anh chị em. Chẳng biết từ lúc nào, tôi đã đam mê những tinh hoa và sự tỉ mỉ đó. Tôi yêu sự hạnh phúc khi khách hàng vui vẻ đón nhận những món đồ trang sức từ ba tôi làm ra. Vì thế sau khi tốt nghiệp đại học tại Anh Quốc, ước mơ của tôi vẫn là mang tới hạnh phúc cho mọi người, vì thế tôi bắt đầu sự nghiệp bằng “nghề gia truyền”. 

Ở Việt Nam có rất nhiều công ty kinh doanh trang sức thuộc loại “khủng”. Điều gì khiến cho trang sức Huy Thanh có sức hút đến vậy?

- Đây cũng chính là khó khăn và là điểm mạnh của chúng tôi. Công ty Huy Thành được thành lập từ năm 1987, 29 năm hoạt động, Huy Thành chủ yếu tập trung vào sản xuất, xuất khẩu và phân phối tới các đại lý mà không đầu tư vào đẩy mạnh bán lẻ tới người tiêu dùng. Nói là không có kinh nghiệm hay bề dày thương hiệu cũng không sai, nhưng nhiều năm qua, sản phẩm của Huy Thành được tiêu thụ rất mạnh qua kênh đại lý.

Một điều tối quan trọng nữa trong doanh nghiệp vừa và nhỏ nữa đó chính là quy trình làm việc để quản lý nhân sự cũng như chất lượng sản phẩm. Thường các công ty bỏ qua xây dựng quy trình chuẩn để nhân viên tuân theo vì thiếu nguồn lực tổ chức. Ngược lại, khi còn là doanh nghiệp rất nhỏ từ 10 người, Huy Thành đã đầu tư thời gian để xây dựng quy trình chuẩn với phương châm “quy trình chuyên nghiệp, áp dụng linh hoạt”.

Người lãnh đạo luôn được ví như vị thuyền trưởng chèo lái con thuyền kinh doanh. Ông sử dụng “thuật dùng người” thế nào để điều hành doanh nghiệp của mình?

- “Thuật dùng người” hay nói đơn giản là cách quản trị nhân sự, điều này rất quan trọng trong doanh nghiệp bởi nhân lực giỏi luôn là tài sản vô giá. Vốn có thể vay từ người thân, từ ngân hàng. Mô hình kinh doanh có thể học hỏi từ đối thủ nhưng không thể nào có được một nguồn nhân lực hệt như nhau, bởi nó là tài sản khó mua hoặc không thể mua. Sản phẩm trang sức của chúng tôi có thể bị sao chép nhanh chóng, nhưng riêng đội ngũ phát triển sản phẩm không bao giờ sao chép được.

Nói như vậy để hiểu tầm quan trọng của nhân sự tại Huy Thanh Jewelry. Nói về % thành công thì tôi không dám nói, nhưng với tôi, nó là tất cả những gì doanh nghiệp cần để tồn tại. 

Huy Thành có những tiêu chí gì trong việc lựa chọn nhân sự, thưa ông?

- Tôi có đưa ra 4 tiêu chí chính như sau. 

Thứ nhất, thông minh và linh hoạt: Mỗi khi tuyển dụng, tôi chọn những người có khả năng tư duy cao, biến hoá không ngừng với xã hội ngày một tân tiến. Bởi, xu hướng thị trường thay đổi quá nhanh, đã làm doanh nghiệp thì phải nắm bắt được xu thế thị trường; Muốn biết khách hàng cần gì, mong muốn gì thì phải tạo môi trường, điều kiện để nhân viên nghe thấy, nhìn thấy những việc cần thay đổi. 

Thứ hai là trao cơ hội cho người tiềm năng: Chúng tôi không có “barrel” thăng chức hay bao nhiêu năm kinh nghiệm mới làm quản lý. Chúng tôi là một xã hội thu nhỏ để chính khách hàng và các nhân viên cấp dưới đề bạt các vị trí cao hơn trong công ty. Ngoài ra, khi thấy được một người có thể chịu trách nhiệm và có khả năng phát triển, những buổi họp nhanh chóng được diễn ra và đề bạt để người đó được đảm đương ngay nhiệm vụ. Có trao quyền thì doanh nghiệp mới phát triển được. Lỗi lớn nhất của doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam là người lãnh đạo ôm việc, không tin tưởng hay không biết phân quyền cho ai. Nhân viên cấp dưới cũng vì thế mà bị giới hạn khả năng và tư duy của họ. 

Thứ ba là sáng tạo: Ở Huy Thành, mọi ý tưởng và sáng kiến của nhân viên đều được ghi nhận và mang ra bàn luận tại các cuộc họp. Sự sáng tạo được đề cao, cũng đồng nghĩa với việc nhân viên cảm thấy họ có tiếng nói, họ được đề cao trong công ty. 

Cuối cùng là chấp nhận sự ra đi của người tài: Thông minh, sáng tạo linh hoạt và tiếp nhận được vị trí, nhiệm vụ cũng đồng nghĩa với việc họ phát triển rất nhanh và có xu hướng tách riêng. Tư duy của tôi cũng như Huy Thành hoàn toàn khác, nếu tôi để những người tài giỏi ra đi, thì thế hệ kế cận sẽ nhìn vào thành công của người đó mà phấn đấu. Nhờ đó dù không cần tuyển dụng, những người tài vẫn tự tìm tới Huy Thanh Jewelry.

Tiêu chí về nhân sự của ông cũng khá cao thì phải?

- Tôi không thích nhân viên chỉ biết nói “Vâng!”. Tôi là lãnh đạo nhưng không phải lúc nào cũng đúng, chiến lược đã đề ra nhưng đôi khi vẫn có sự thay đổi từng ngày. Tôi thích những người luôn muốn bàn luận và có những ý kiến trái chiều, không chấp nhận kết quả hiện tại. Họ rất giỏi, họ luôn giúp tôi lái con tàu về đúng đích đã định trước. 

Điều mà ông cảm thấy tâm đắc nhất trong việc quản trị nhân sự là gì?

- Điều tâm đắc nhất có lẽ là cách nhân viên xây dựng văn hoá doanh nghiệp cùng tôi. Hàng ngày họ đoàn kết vượt qua khó khăn, hoàn thành những chỉ tiêu và dự án lớn. Họ coi nhau như gia đình nhỏ từ Hà Nội tới Đà Nẵng. 

Người xưa có câu, một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Tôi nghĩ điều tâm đắc nhất của tôi là xây dựng được tốt văn hoá doanh nghiệp. 

“Mỗi khi tuyển dụng, tôi chọn những người có khả năng tư duy cao, biến hoá không ngừng với xã hội ngày một tân tiến. Bởi, xu hướng thị trường thay đổi quá nhanh, đã làm doanh nghiệp thì phải nắm bắt được xu thế thị trường, muốn biết khách hàng cần gì, mong muốn gì…”

Về đầu trang