Hôn nhân khởi đầu từ cặp nhẫn. Cặp nhẫn không chỉ là trang sức, nó là tín vật khởi đầu hôn nhân, cùng cặp đôi đi qua bao sóng gió và kết nối hai con người để làm nên một gia đình. Bao nhiêu "bí mật" của một cuộc hôn nhân bền vững, hóa ra được gói ghém cả trong cặp nhẫn. Nhưng có bao giờ chúng ta thử hỏi, sao bố mẹ mình không có nhẫn cưới trên tay?
1. Những chiếc nhẫn khởi đầu một hành trình hôn nhân
Bạn có biết vì sao, hàng nghìn năm nay, người ta chọn vòng, ngọc bội làm vật đính ước, và nhẫn là tín vật để minh chứng cho hôn nhân không? Đó là bởi, giống như hành trình của tình yêu và hôn nhân, vòng tròn không có điểm đầu và cuối. Đó là bởi, ngón áp út bên trái - nơi người ta đeo nhẫn cưới - là "con đường" ngắn nhất để kết nối đến trái tim.
Ở thời đại chúng ta, đám cưới có thể to hay nhỏ, hoành tráng hay giản dị, nhưng không thể thiếu cặp nhẫn cưới. Không phải chứ chọn kiểu dáng là xong, người ta còn chạm khắc cầu kỳ những ký hiệu, ngày tháng ghi dấu kỷ niệm bên trong, sao cho đó là cặp nhẫn "độc bản", mang dấu ấn của riêng mình.
Vậy mà, chính chúng ta lại không mấy khi để ý, hoặc chưa bao giờ tự hỏi tại sao bố mẹ mình không đeo nhẫn cưới. Ngón áp út của bố mẹ chúng ta đa phần là trống trải, chẳng phải vì "lên cân quá nên phải bỏ nhẫn ra", "đeo làm gì vướng víu", "làm việc phải 'ngoại giao', đeo nhẫn nó bất tiện"... như nhiều cặp đôi cưới mấy năm rồi viện cớ để gỡ ra, bỏ vào một góc tủ, mà phía sau đó là cả một trời kỷ niệm về thời khốn khó xưa.
Thời bố mẹ chúng ta, có những đám cưới hoàn toàn vắng mặt cặp nhẫn, vì không có tiền mà sắm sửa. Chú Vũ Quang Vinh, cô Lê Thị Chinh kết hôn năm 1985, sống tại thành phố Hải Dương tâm sự: "Đám cưới thời cô chú tổ chức cũng đàng hoàng, đầy đủ nghi thức, chỉ thiếu mỗi cặp nhẫn cưới. Chú nhớ nhất là hôm đấy, cô mặc váy cưới rất xinh mà không chịu cười tươi gì cả, mặt cứ buồn buồn. Đến giờ thỉnh thoảng cô vẫn nhắc, vẫn 'đòi' nhẫn suốt đấy!".
Cũng có những đám cưới chỉ có một chiếc nhẫn dành cho cô dâu, vì sắm sửa vật dụng cơ bản cho tổ ấm đã đủ vất vả. Nhớ lại đám cưới cách đây hơn 22 năm, cô Thúy Mai, chú Huy Liệu (sống tại Hà Nội) bảo, hồi ấy kinh tế hai bên gia đình không lấy gì làm dư dả, cả lễ ăn hỏi và lễ cưới đều rất đơn giản. Có một điều trong đám cưới của mình khiến chú Liệu đến bây giờ vẫn cảm thấy bùi ngùi khi nhớ lại: "Hồi ấy, tôi nghĩ nhẫn cưới là 'huyền thoại' được hát trong các ca khúc, chứ không nghĩ rằng cần phải có kỷ vật để đính hôn và trao cho vợ trong ngày trọng đại đó. Một phần do kinh tế khó khăn, một phần cũng vì không nghĩ nó quan trọng nên tôi không chuẩn bị gì.
Mãi đến khi còn vài giờ nữa là sang nhà gái rước dâu, một ông chú đã sống ở thị xã lâu năm về ăn cưới tôi mới hỏi: ‘Thế nhẫn cưới đâu?’. Khi đó, tôi mới ngẩn người ra, nhìn trước ngó sau. Ông chú ấy vội vàng đưa tôi ra hiệu vàng mua một chiếc nhẫn trơn bằng vàng ta cho vợ, còn tôi thì không có, vì tôi chỉ đủ tiền mua một chiếc".
2. Những chiếc nhẫn trong tiệm cầm đồ
Nhẫn cưới là kỷ niệm ngày hai "người dưng khác họ" trở thành một gia đình, mang theo bao nhiêu thổn thức của tình yêu, của những ngày tháng đầu tiên bỡ ngỡ tạo lập gia đình. Vì là vật phẩm thiêng liêng đại diện cho hôn nhân, cho sự giao ước ngày kết đôi và không thể thay thế, phần lớn mọi người rất kỵ việc đánh mất, cũng như kiêng bán hoặc cầm cố nhẫn cưới.
Nhưng quan niệm là một chuyện. Thực tế lại là chuyện khác. Có một sự thật rất đỗi phũ phàng, ấy là nhẫn cưới thời bố mẹ chúng ta rất… có giá. Đó không chỉ là kỷ vật, mà là một dạng tài sản, một thứ của để dành. Thật may mắn cho những ai còn giữ được nhẫn cưới suốt mấy chục năm, vì trong thời khó khổ xưa, nhiều chiếc nhẫn cưới đã "lưu lạc" trong những tiệm cầm đồ, trong hiệu vàng sau khi chủ nhân cưới chưa lâu.
Chuyện nhà cô Mai không phải là cá biệt trong thời bao cấp nhiều gian nan. Nhiều đứa trẻ trong thời chúng ta lớn lên mà không nhìn thấy nhẫn cưới trên tay bố mẹ mình, cứ vô tư như thế mà lớn lên. Nhưng đó là vì không ai hỏi, không ai nhắc đến. Và cũng vì bố mẹ chúng ta thừa hiểu, không có cách nào tìm lại được chính xác chiếc nhẫn quý giá ấy. Cuộc sống có thể khá giả thêm, họ có thể mua được nhiều trang sức khác, nhưng cặp nhẫn cưới trong tiệm cầm đồ năm ấy cứ thế ở mãi trong tâm trí họ.
Nếu không tin, bạn cứ thử ngồi xuống hỏi bố mẹ mình mà xem. Thể nào họ cũng kể vanh vách đã cầm được bao nhiêu đồng, tiêu vào những việc gì, đã từng muốn chuộc lại ra sao… Rồi họ có thể sẽ chép miệng tiếc nuối như chú Huy Liệu: "Tôi nghĩ khi nào cuộc sống đỡ vất vả hơn nhất định sẽ sắm lại một đôi nhẫn cưới".
Vậy đấy, qua hàng chục năm chung sống, bố mẹ có thể không còn thể hiện tình cảm với nhau như buổi ban đầu, cũng như nhẫn cưới không còn đeo trên tay, nhưng cái tình, cái nghĩa, sự gắn bó qua thời gian thì không thể phai mờ. Nhẫn đã trao tay, dù có gỡ ra thì vẫn còn "dấu vết", như người ta thường đùa, kết hôn nghĩa là "đeo gông" vào cổ, mà chiếc nhẫn chính là "xiềng xích" của hôn nhân.
Nhưng hôn nhân không phải "xiềng xích" kìm hãm tự do, hôn nhân dạy người ta trưởng thành. Bố mẹ chúng ta hy sinh niềm vui riêng để cho con những tháng năm êm ấm, sẵn sàng từ bỏ chiếc nhẫn khi nó có thể đổi ra nhiều vật dụng cần thiết cho cuộc sống gia đình, cho con cái. Bởi vì họ đã trưởng thành, và họ hiểu, dù có nhẫn hay không, hạnh phúc mới là điều quan trọng hơn cả.
3. "Nhẫn" là chìa khóa cho mọi cuộc hôn nhân bền chặt
Những cuộc hôn nhân bền lâu khiến người ta cảm động còn hơn cả những tình yêu lộng lẫy. Nhìn từ những cuộc hôn nhân kéo dài hàng chục năm của những người thuộc thời đại bố mẹ chúng ta, bạn sẽ nhận ra, hôn nhân bền chặt không phải là một cuộc hôn nhân chưa từng có sóng gió, mà là sau quá nhiều sóng gió, họ hiểu nhau và gắn bó bền chặt với nhau hơn.
Không phải vì họ có nhẫn trên tay, mà vì họ có "nhẫn" trong tim. Vì "nhẫn" không chỉ là nhẫn, nó còn là lời nhắc nhở trong hôn nhân. Chữ Nhẫn (忍) bao gồm chữ 刀 (đao) phía trên chữ 心 (tâm), chiết tự theo Hán học có nghĩa là "con dao đâm vào tim", là minh chứng cho sự kiên trì tới cùng của con người, dù có bị chém những nhát dao đầy đau đớn vào tim. Trước những sóng gió, khó khăn có thể xảy đến, bên cạnh những yêu thương, chia sẻ, trách nhiệm… còn cần "nhẫn", nhún nhường nhau để cùng nhau giải quyết mọi sự.
Học được chữ nhẫn, học được cách "cơm sôi nhỏ lửa" thì cả đời hôn nhân sẽ không "khê", sẽ vượt qua những tháng ngày "cơm không lành canh không ngọt", để thương yêu, nhường nhịn người bạn đời của mình.
Hôn nhân là như thế, vì chỉ tình yêu thôi là chưa đủ. Hôn nhân, đó là cùng nhau san sẻ những gánh nặng và "dây trói" trách nhiệm. Đó là cùng nhau vượt qua khốn khó vật chất thuở mới cưới với gia tài vỏn vẹn một bộ giường tủ, một chạn bát và một bếp dầu; với đám cưới mà cô dâu phải tự tay may ga gối, rèm cửa, chú rể "lăn xả" cùng người nhà dựng rạp, nấu cỗ như chuyện nhà cô Hồng, chú Ngọc. Đó là đối mặt với những cãi vã do bất đồng quan điểm, tính cách mà các cặp đôi thời nào cũng có, như chú Vinh, cô Chinh kể: "Có khi một ngày cãi nhau 2 - 3 lần thậm chí giận nhau cả tháng trời"...
Quan trọng là, sau tất cả, họ vẫn có thể ngồi xuống với nhau, nhớ về trách nhiệm với gia đình và con cái mà sống tiếp. Quan trọng là, họ tìm ra cách để có thể sửa chữa và giải quyết mọi chuyện, họ không để cái tôi của mình lấn át người kia, họ tin tưởng, tôn trọng và nhường nhịn lẫn nhau.
Nhưng mà, bạn biết không, sâu tận đáy lòng những cặp đôi sống với nhau bền chặt mà không có, hoặc chưa từng đủ cả cặp nhẫn cưới, vẫn có ước mơ rất thầm kín, điều mà đôi khi người trẻ chúng ta không nhận ra. Sau tất cả, họ vẫn mong có một tín vật của riêng mình, như chú Huy Liệu thổ lộ: "Giá như ngày cưới hồi ấy là cuộc sống bây giờ, dù gì đi chăng nữa tôi cũng cố mua cho đủ hai chiếc, chồng một, vợ một", hay như cô Hồng tâm sự: "Hôn nhân rất cần những phút giây lãng mạn, quan tâm, tinh tế. Tôi vẫn mong muốn có một sự kiện đặc biệt gì đó để kỷ niệm ngày cưới, để gợi lại những hồi ức đẹp và cũng để nhắc nhở rằng các con hãy cố gắng giữ gìn hôn nhân như bố mẹ đã làm được".
Khi chúng ta trưởng thành, chúng ta đôi khi muốn làm gì đó thay lời cảm ơn bố mẹ vì đã đồng hành với nhau những năm tháng vất vả ngược xuôi, đã dành cả thanh xuân chăm chút cho ta. Nhiều khi, mình cứ nghĩ đến những "bù đắp" phức tạp, to tát, nghĩ đến nhà cao cửa rộng, những chuyến du lịch sang trọng, xe xịn, bảo hiểm, sổ tiết kiệm tuổi già… để bố mẹ sướng hơn. Nhưng đôi khi, bố mẹ chỉ cần những thứ giản đơn, thậm chí "phù phiếm" một chút như là một bữa tiệc đầy đủ các thành viên, hay đơn giản là một đôi nhẫn cưới vào ngày kỷ niệm mà thôi.
Có món quà nào dành cho bố mẹ ngọt ngào hơn là chúng ta giúp bố mẹ tìm về thanh xuân, hoàn thiện những lời hứa còn dang dở về cặp nhẫn năm xưa, để bố mẹ trở thành "cô dâu, chú rể" một lần nữa ở tuổi xế chiều? Một cặp nhẫn cưới có thể không khiến bố mẹ ta trẻ lại hay bù đắp được những năm tháng cũ, nhưng sẽ là kỷ vật thể hiện niềm tin mãnh liệt vào hôn nhân bền bỉ, nhắc nhớ về những tháng năm thanh xuân đầy ắp yêu thương và cả những vất vả, hy sinh thầm lặng của bố mẹ để nuôi dạy chúng ta khôn lớn.
Huy Thanh Jewelry - Cảm Ơn Bố Mẹ Đã Cưới Nhau
Những trăn trở đó chính là nguồn cảm hứng để thương hiệu nhẫn cưới & trang sức Huy Thanh Jewelry thực hiện phim ngắn "Cảm ơn bố mẹ đã cưới nhau", tái hiện lại hàng triệu câu chuyện có thật của thế hệ bố mẹ chúng ta và nhắn nhở những người trẻ đừng bao giờ quên tỏ bày tình yêu thương và lòng biết ơn tới đấng sinh thành.
CEO Đỗ Huy Thành chia sẻ: "Đối với nhiều người, nhẫn cưới là vật vô tri giác, chỉ được xem là một vật cần có trong đám cưới. Nhưng ở Huy Thanh Jewelry, chúng tôi tin rằng nhẫn cưới mang giá trị cao hơn cả vật chất, đó là đại diện của sự đồng hành, của đồng cam cộng khổ giữa vợ và chồng. Cặp nhẫn cưới chứng kiến hành trình hôn nhân của hai người, cùng họ trải qua tất cả những khoảnh khắc vui, buồn, khổ, hạnh của cuộc sống vợ chồng.
Nhưng không chỉ có vậy, cặp nhẫn cưới có thể là món quà mà con cái dành tặng cho bố mẹ mình trong những dịp kỷ niệm 20 năm, 30 năm ngày cưới. Hoặc chẳng cần đợi một dịp đặc biệt nào, chỉ cần chúng ta đã sẵn sàng để nói lời: 'Cảm ơn bố mẹ đã cưới nhau’."
Bộ phim ngắn đã kể câu chuyện từ những thổn thức sâu thẳm trong trái tim hàng triệu người thuộc thế hệ trước nên đã chạm tới trái tim của người xem theo một cách rất sâu. Khi những đứa con đã trưởng thành từ hôn nhân thiếu vắng nhẫn cưới của bố mẹ có thể trao tặng lại nhẫn cưới như một lời cảm ơn, đó thực sự là món quà ý nghĩa và tinh tế để nói lời cảm ơn. Cảm ơn bố mẹ đã cưới nhau để có chúng ta, và để dạy cho chúng ta bài học về hôn nhân, dù có thể nhẫn cưới đã rời xa tay trong những ngày khốn khó xưa kia.
Nguồn: Kênh 14